Chàng thư sinh Dương Vô Uý lập nhà học giữa sánh đồng vắng, bên sông Tứ. Ngoài nhà học là một bãi tha ma đầy những nấm mồ vô chủ.
Về đêm, gió lộng vào hàng cây dương vi vu như tiếng nước vỗ vào bờ.
Đêm nọ, chàng thắp đèn đọc sách và cảm thấy buồn vì cảnh cô liêu. Chợt chàng nghe văng vẳng tiếng ngâm thơ bên ngoài.
Tiếng ngâm vừa dứt rồi lại ngâm tiếp, cái giọng tha thiết làm sao.
Cái tiếng ấy nhỏ và êm như tiếng thiếu nữ nên chàng nghi là hồn ma cô nào về trêu ghẹo mình.
Sáng hôm sau, chàng đi quanh nhà quan sát kỹ thì không thấy có dấu chân ai để lại, nhưng lại vớ được một giải lụa màu tím nằm trong đám cỏ gai. Chàng liền đem về treo bên cửa sổ.
Đêm ấy trời vào canh hai, chàng lại nghe tiếng ngâm thơ như hôm qua. Dương tò mò trèo lên ghế nhìn qua cửa sổ, tiếng ngâm thơ chợt ngừng, chàng nghĩ là chắc có ma rồi nhưng lại nảy ra ý muốn gặp mặt.
Đêm sau nữa Dương núp bên tường rào đợi hết canh một, bỗng thấy một thiếu nữ thong thả từ đám cỏ gai đi ra, miệng ngâm nga xem ra còn ảm đạm hơn những đêm trước. Chàng hắng giọng, cô gái chợt biến mất trong đám cỏ gai.
Đêm sau nữa, Dương lại phục sẵn im lặng chờ đón. Đợi nàng bước ra và ngâm vừa dứt hai câu thơ cũ, chàng ngâm tiếp liền hai câu nữa cho trọn bài tứ tuyệt:
Lòng riêng oán hận không ai biết.
Cơn lạnh se lòng bóng nguyệt soi.
Ngâm rồi đợi mãi không thấy gì chàng đành trở vào nhà.
Chưa kịp tắt đèn đi ngủ thì chàng thấy thiếu nữ từ ngoài bước vào, thẹn thùng lên tiếng:
Thiếp bấy lâu không dám ra mặt vì e gặp kẻ phàm phu tục tử, không ngờ chàng là người phong nhã.
Dương vui vẻ mời nàng ngồi rồi ôm choàng lấy, chàng có cảm giác người nàng ẻo lả như bông hoa. Chàng bèn hỏi thăm quê quán thì nàng đáp:
Thiếp ở Lũng Tây, theo cha trôi dạt đến đây. Hai mươi năm trước thiếp mười bảy tuổi và đã chết vì bạo bệnh, xác vẫn chôn ở bãi cỏ gai lạnh lẽo. Hai câu thơ thiếp đọc là tâm sự của một nỗi lòng u uất. Thiếp định làm trọn bài nhưng mới được hai câu thì chàng đã nối theo thành bài, thiếp xin cảm tạ.
Dương ôm nàng một lát thì cảm thấy động tình, bèn đòi chuyện trăng hoa, nàng cự tuyệt:
Thiếp là ma chứ chẳng phải người trần, ăn nằm với chàng là giết chàng đấy. Nhưng thiếp làm sao nỡ hại chàng?
Dương nghe xuôi tai, không đòi hỏi gì nữa, chỉ ôm nàng trong lòng mà đùa giỡn. Chàng nhìn đôi hài thêu rất đẹp của nàng, thấy thiếu một giải lụa buộc bèn hỏi, nàng đáp:
Hôm nọ lúc chạy trốn thiếp đã đánh rơi mất một bên giải lụa.
Dương cười:
Để ta đền cho nàng!
Chàng bước đến cửa sổ, tháo dải lụa hôm trước vớ được đưa cho nàng. Cô gái buộc hài xong, xem thấy cuốn sách chàng đang để trên bàn học, chợt nàng nhìn thấy tập "Liêu xương cung từ" liền ngậm ngùi nói:
Khi xưa lúc còn sống thiếp rất thích đọc cuốn này. Giờ thấy đây thật mơ màng như trong mộng.
Rồi nàng bàn chuyện văn chương, từ đấy Dương mới biết nàng cũng giỏi tài thi phú, thông tuệ uyên thâm. Suốt đêm đó đôi trai gái hàn huyên bên nhau và đã xem như bạn quí.
Từ đó, đêm nào nàng cũng đến và cẩn thận dặn Dương:
Ngày càng bé thiếp vốn rất nhát gan, mong chàng giấu kín chuyện này. Nếu người khác biết chuyện sẽ đàm tiếu, thiếp không chịu nổi đâu.
Rồi hai người đằm thắm bên nhau còn hơn cả vợ chồng thật.
Dương thường nhờ nàng sao chép văn bài sách vở, chữ nàng rồng bay phượng múa, trông rất tươi sáng.
Nàng lại rất yêu thơ, tự đóng chép thành tập một trăm bài để ngâm nga giải sầu.
Nàng bảo chàng mua đàn tì bà, sắm bàn cờ để cùng nhau tiêu khiển hằng đêm. Chỉ đến lúc ánh bình minh vừa ló dạng nàng mới vội mở cửa đi mất.
Sáng nọ, lúc Dương còn say giấc nồng bù lại việc thức ban đêm thì người bạn học Tiết Sinh đến chơi. Tiết ngạc nhiên vì nhà có bàn cờ và đàn tì bà - những thứ mà xưa nay Dương không biết chơi. Tò mò giở chồng sách, thấy toàn nét chữ lạ. Tiết lấy làm ngờ vực, đợi Dương tỉnh dậy để vặn hỏi. Dương luống cuống bảo rằng chỉ là vật đi mượn. Tiết giở tập thơ ra đến dòng lạc khoản: "Ngày... tháng... Liên Toả viết" liền cười nói:
À, bạn dối tôi làm chi? Rõ ràng đây là tên của con gái chứ nào phải của ai?
Dương càng luống cuống hơn, nhưng nhớ lời nàng dặn nên không dám nói thật. Tiết đùa dai bỏ tập thơ vào túi đòi mang đi, Dương hoảng quá kéo lại và đành nói thật.
Tiết yêu cầu được gặp giai nhân. Dương càng chối, Tiết càng ép, cuối cùng bí quá Dương đành nhận lời. Đêm ấy Dương gặp người tình, chàng nói thật ý muốn của Tiết thì nàng giận dỗi:
Thiếp đã dặn kỹ mà chàng còn lộ chuyện!
Dương năn nỉ và bảo rằng vì tình thế bắt buộc nhưng nàng vẫn giận:
Duyên thiếp với chàng đến đây là dứt.
Dương tìm mọi lời để trấn an nhưng nàng vẫn lo lắng lắm:
Để thiếp tạm lánh đi vậy.
Hôm sau Tiết đến gặp mặt. Dương nói là việc không thành. Tiết càng ngờ bạn thoái thác. Chàng đợi chiều đến rồi rủ thêm hai bạn học nữa kéo tới nhà Dương. Họ cố ý bày tiệc tượu và dằng dai không chịu về. Dương bực lắm nhưng không biết nói sao cho phải.
Đêm ấy không có gì, đêm sau họ lại đến nữa. Liên tiếp vài đêm như thế thì Liên Toả xuất hiện. Nghe có tiếng ngâm thơ não nùng bên ngoài mà không thấy người đâu, bạn Dương vốn là người can đảm, anh nhặt hòn đá ném về phía có tiếng ngâm, quát lớn:
Thơ thẩn mà chi, có gan chường mặt ra xem thử!
Tiếng ngâm liền ngưng bặt.
Dương giận lắm, tìm cách nói lời dè bỉu để đuổi các bạn về.
Khi còn lại một mình, Dương nhớ Liên Toả điên cuồng, chỉ mong nàng đến nhưng vẫn biệt tăm.
Hai hôm sau nàng mới trở lại, khóc lóc:
Bạn chàng hung dữ quá nên thiếp sợ lắm.
Dương chưa kịp xin lỗi nàng đã quay ra:
Thiếp đã nói duyên ta đã dứt. Xin vĩnh biệt.
Dương đưa tay níu áo nhưng nàng đã biến mất.
Hơn cả tháng vẫn không thấy nàng quay lại. Dương đâm ra nhớ nhung hết sức, quên ăn biếng ngủ và chẳng mấy chốc gầy xộc cả người. Chàng nghĩ hết cách mà không thể nào gặp được người yêu.
Một đêm buồn quá, Dương mua rượu uống một mình, đang tan nát cõi lòng thì Dương bỗng thấy nàng xuất hiện. Chàng mừng cuống, vội míu vào:
Em tha thứ cho anh rồi, phải không?
Liên Toả im lặng ngồi khóc tấm tức. Dương cứ vặn hỏi mãi, nàng ngập ngừng một lúc rồi lên tiếng:
Trước thiếp giận chàng mà ra đi, nay gặp chuyện nguy cấp nên đến cầu xin chàng, nhưng hổ thẹn lắm, chẳng biết có nên nói ra không?
Dương an ủi và nằn nì mãi nàng mới nói tiếp:
Có một thằng hung bạo từ xa đến. Hắn nài ép em làm hầu thiếp. Nhưng dù sao em cũng là con nhà có học, đời nào chịu ép thân làm lẽ cho kẻ thất phu, nhưng cô thế một mình, em lấy gì mà chống cự? Nếu chàng coi em như bạn, xin chàng lo liệu giùm.
Dương nghe chuyện lấy làm giận, chàng muốn giết ngay kẻ vũ phu, nhưng sợ người với ma làm sao mà can thiệp được. Nhưng nàng bảo:
Đêm mai chàng cứ ngủ sớm. Thiếp sẽ nhờ chàng trong mộng, thế là sẽ giúp được thiếp.
Chiều hôm sau, Dương uống liền mấy chén rượu để ngà say rồi lên giường đánh một giấc thật sớm.
Dương thấy nàng đến và đưa một con dao rồi dẫn chàng đi. Hai người vào một ngôi nhà, còn đang chuyện vãn thì ngoài cửa có tiếng đập rầm rầm. Nàng tái mặt:
Kẻ thất phu đến đấy!
Dương chạy ra cửa, nhìn thấy một người mũ đỏ áo xanh, mặt mày râu ria trông rất dữ tợn. Dương quát đuổi hắn đi, hắn cũng chửi lại, lời lẽ tỏ ra xấc xược. Dương giận lắm xông tới định đánh, hắn liền vác mấy cục đá to ném vào người Dương. Dương bị trúng thương, cánh tay tê liệt không cầm nổi dao nữa.
Giữa lúc ấy, chàng nhìn thấy từ xa một người bạn đang cầm sẵn cung tên. Chàng kêu bạn, Vương Sinh chạy đến giương cung bắn liền mấy phát trúng kẻ hung ác. Hắn ngã xuống chết liền.
Dương mừng rỡ đón Vương Sinh vào.
Vương hỏi vì sao đến đây. Dương kể sự thật. Vương mừng vì nghĩ rằng đã có dịp chuộc lỗi ném đá Liên Toả trước đây.
Trên bàn có con dao nhỏ rất đẹp với cái bao nạm ngọc, rút ra lưỡi dao sáng như nước. Vương tấm tắc khen và ngắm nghía ra chiều rất thích. Sau đó Vương xin cáo từ.
Dương cũng từ giã người yêu, ra về. Vừa đến cổng nhà thì chàng vấp ngã. Khi tỉnh dậy chàng nghe tiếng gà hàng xóm đang gáy vang chào ngày mới.
Sáng ra Dương xem kỹ chỗ tay đau thì thấy sưng đỏ.
Trưa ấy Vương Sinh tạt qua kể cho Dương nghe chuyện giấc mộng. Dương hỏi:
Anh bắn mấy mũi tên nhớ không?
Vương hỏi sao Dương biết chuyện bắn tên. Dương liền đưa cánh tay bị thương và nói rõ sự việc.
Vương ấm ức tiếc thầm vì chỉ thấy mặt Liên Toả trong giấc mộng chớ chưa rõ mặt thực ra sao. Nhớ lại cũng có chút công cứu nàng, Vương nài bạn cho gặp Liên Toả.
Đêm ấy, nàng đến cám ơn Dương.
Dương nói công lao ấy là nhờ Vương Sinh, nhân dịp chàng xin nàng cho Vương diện kiến. Nàng bảo:
Người đã cứu thiếp, lẽ nào dám từ chối. Nhưng chỉ sợ tính anh chàng gan góc quá, ngại rằng thiếp khiếp đảm thôi.
Rồi nàng nói tiếp:
Xem ra Vương Sinh rất thích con dao của em. Đó là kỷ vật của cha em cho, em mang theo xuống đáy mồ. Nay tặng lại cho Vương Sinh để anh ấy thấy dao như gặp được người rồi.
Vương được con dao quý mừng lắm, không nói đến chuyện xin gặp nữa.
Từ đó, tình nàng với Dương càng quyến luyến hơn.
Một đêm, nàng thẹn thùa nói với Dương:
Lâu nay được chàng yêu quý, được cho thụ hoạt tinh của chàng, và nhờ ăn cơm của người sống nên mớ xương tàn dưới mộ có thể sống dậy được rồi. Nếu có chút tinh huyết của người sống nữa thì em sẽ hồi sinh.
Dương mừng rỡ vuốt ve nàng:
Ta có tiếc gì, nếu nàng muốn?
Nàng bảo:
Thiếp đã tiếp thụ tinh huyết của chàng thì chàng phải ốm liệt hai mươi ngày mới tỉnh. Chẳng biết chàng dám ưng không?
Rồi hai người quấn quít nhau như vợ chồng mới. Gần sáng nàng mặc áo ra đi:
Thiếp cần vài giọt máu tươi của chàng, chàng ưng chứ?
Dương vớ con dao, liền cắt cánh tay mình cho chảy máu. Nàng nằm ngửa trên giường bảo Dương nhỏ máu ấy vào giữa rốn. Sau đó nàng nói:
Thiếp sẽ không đến nữa. Chàng nhớ kỹ, một trăm ngày sau đến mộ thiếp, hễ thấy con chim xanh hót trên ngọn cây thì chàng đào huyệt lên ngay nhé.
Dương gật đầu.
Bước ra cửa nàng còn dặn:
Chàng nhớ kỹ, đừng sớm và cũng đừng muộn hơn, kẻo hỏng việc.
Rồi cô gái ra đi.
Sau đó Dương quả nhiên lâm bệnh nặng, bụng cứ trương phình lên tưởng gần chết. Thầy thuốc cho uống thuốc xổ, sau đó chàng túa ra chất gì đen quánh từ trong bụng, và hai mươi ngày sau chàng khỏi bệnh.
Đợi đúng một trăm ngày chàng dẫn gia nhân ra mộ nàng mang theo cuốc xẻng.
Trời sắp tối mới thấy một con chim xanh đáp xuống ngọn cây líu lo hót vang. Dương hô lớn:
Đến giờ đào mộ.
Gia nhân xúm lại ra sức đào. Quan tài đã mục nát, từ từ lộ ra xác cô gái còn tươi không khác gì người sống. Sờ vào xác vẫn còn ấm, chàng liền bọc lấy khiêng về đặt nằm trên giường.
Khi đêm xuống nàng bắt đầu thở được nhè nhẹ. Dương đổ sữa cho nàng uống. Nửa đêm ấy nàng tỉnh dậy.
Hai người lại sống bên nhau, tình nghĩa mặn nồng. Lúc âu yếm nhau, nàng thường mơ màng bảo Dương:
Hai mươi năm trôi qua, dưới nấm mồ ấy, thiếp thấy giống như một giấc mộng dài.