Antoni Tcharnotski, giám đốc sở cứu hỏa thành phố Rakshava, đặt bảng thống kê các đám cháy sang một bên rồi nằm dài trên đi văng, tỏ vẻ mệt mỏi. Ông hút một điếu xì gà Cu Ba và cảm thấy hưng phấn trở lại.
Lúc này đã hơn bốn giờ chiều, tiết trời tháng bảy oi bức làm sao!
Qua tấm mành buông kín, ánh sáng ban ngày lờ mờ nhuốm vàng căn phòng, bầu không khí ngột ngạt nóng bức bủa vây một cách vô hình. Tiếng ồn ngoài đường phố vọng vào đều đều, trên các ô cửa, những con ruồi mệt lử cất cánh bay rời rạc và yếu ớt. Tcharnotski phân tích các ghi chép, đối chiếu ngày tháng, xếp loại tư liệu đã tích lũy được trong nhiều năm rồi rút ra kết luận.
Ai có thể nghĩ được rằng các số liệu thống kê lãnh đạm ấy lại là một bức tranh đầy thú vị, đúng vậy, chúng được nghiên cứu một cách có phương pháp và vô cùng kỹ lưỡng. Không ai ngờ được, từ những con số ngày tháng khô khan, thoạt nhìn chẳng cho thấy điều gì, lại có thể rút ra được những kết quả khiến người ta bàng hoàng kinh ngạc, lại giúp ta nhận thấy cái mớ hỗn độn những sự việc tưởng như khó phân biệt ấy, chúng lặp đi lặp lại rất đơn điệu, nhưng tỏ ra rất kỳ diệu!
Để nhìn ra và nắm bắt một điều gì như vậy, cần phải có một linh cảm đặt biệt mà chưa hẳn ai cũng có, cần phải có một "tài đánh hơi" thiện nghệ, và thậm chí cần cả một cấu tạo thể chất đặc biệt. Và Tcharnotski chính là một trong những người như thế, ông tỏ ra hiểu rõ bản thân mình.
Từ nhiều năm qua ông nghiên cứu về các đám cháy, tìm hiểu chúng ở Rakshava và ở bất cứ đâu. Ông thu thập cẩn thận những bài cắt trên báo chí, lục lọi sách báo chuyên nghành, nghiên cứu nhiều bản thống kê so sánh.
Trong các cuộc nghiên cứu đặc biệt như thế, những tấm bản đồ chi tiết về các vùng trên thế giới đã giúp ông rất nhiều; các ngăn tủ trong phòng thư viện của ông xếp đầy những sách rất dày. Ở đó có sơ đồ thủ đô, các thành phố và khu dân cư với tất cả những con đường chằng chịt, những quảng trường và xó xỉnh, những vườn cây và công viên, những công trình xây dựng, nhà thờ và nhà cửa, tóm lại, đó là những sơ đồ vẽ rất tỉ mỉ: dù ai dù mới đến lần đầu, dựa vào bản hướng dẫn ấy cũng dễ dàng định hướng được, như thể đó là thành phố quê nhà của họ vậy. Các sơ đồ ấy được đánh số cẩn thận, được sắp xếp theo, từng vùng, từng huyện, sẵn sàng phục vụ: người chủ chỉ cần đưa tay ra là những tờ hình vuông, hình chữ nhật, bằng vải, bằng ni lông hay bằng giấy cung cấp ngay mọi chi tiết cần tìm.
Tcharnotski cặm cụi hàng giờ trên các tấm bản đồ nghiên cứu. Ông so sánh cách sắp xếp nhà cửa và đường phố của những thành phố khác nhau.
Công việc ấy vô cùng tỉ mỉ, đòi hỏi một sự kiên nhẫn ghê gớm. Không phải lúc nào các kết luận cũng tự nhiên hiện ra, nhiều khi phải chờ rất lâu mới tóm được một kết quả nào đấy. Nhưng Tcharnotski bám chặt như con bọ chét, hễ phát hiện một chi tiết đáng ngờ là ông liền chộp ngay. Ông không cho phép mình nghỉ ngơi hay trì hoãn, sớm muộn gì ông cũng tìm ra được những mắt xích quan trọng.
Sau nhiều năm gian khổ, ông có được những "tấm bản đồ hỏa hoạn" đặc biệt, ngoài ra, ông còn có cái gọi là những biến thể của các đám cháy. Trên các tấm bản đồ có đánh dấu những địa điểm, những công trình xây dựng và nhà cửa từng bị bà hoả viếng thăm, bất kể thiệt hại không đáng kể hay bị thiêu rụi toàn bộ. Còn tên những bản vẽ "biến thể các đám cháy" thì ghi lại những thay đổi diễn ra trong quy hoạch xây dựng sau vụ hoả hoạn; tất cả mọi thay đổi, dù nhỏ nhất, đều được ghi chép cẩn thận.
So sánh các bản đồ hai loại kể trên, dần dần Tcharnotski đi đến những kết luận lý thú. Nếu nối những kiểm xảy ra hoả hoạn ở một vùng nào đó, thì trong tám mươi phần trăm các trường hợp, sẽ hiện lên một đường chung về những sinh vật kỳ lạ, đôi khi chúng giống như những đứa trẻ quái thai, nhưng thường thì, chúng là những con thú nhỏ - những con vượn cáo đuôi dài xoắn lại một cách ngộ nghĩnh, những con sóc nhanh nhẹn thân uốn vồng, những con khỉ trông buồng cười một cách dị dạng.
Tcharnotski lấy từ các sơ đồ ra cả một bộ sưu tập như thế, ông tô màu sặc sỡ rồi đưa chúng vào một cuốn album độc đáo, với dòng chữ ghi ngoài bìa "Album các sinh vật lửa".
Phần hai bộ sưu tập của ông là những "trích đoạn và phác thảo" - trong đấy có nhiều hình kỳ hoặc không rõ ràng và chưa hoàn chỉnh, chỉ có thể phỏng đoán lờ mờ. Đấy là những phác hoạ về các cái đầu, những mẫu thân thể, những khúc tứ chi của loài vật, những cái chân chẻ ngón lông lá. Và lác đác đây đó là những bức hình học, những vết mực nhoè...
Cuốn album của Tcharnotski khiến ta nhớ đến một bộ sưu tập hình ngộ nghĩnh hoặc sáng tác của một hoạ sĩ có óc tưởng tượng mãnh liệt; thích thú với sự quái gở, ông ta đã đưa lên mặt giấy cả một rừng thú vật - những quái thú chỉ tồn tại bên ngoài nhận thức của con người. Nếu ai không hiểu rõ vấn đề lắm có thể sẽ nghĩ rằng mình đang xem một loại tranh kỳ cục vẽ bằng màu đỏ của một hoạ sĩ thiên tài ghi lại những giấc mơ huyễn hoặc. Nhưng nhìn các bức tranh tưởng tượng ấy, người ta cảm thấy rùng mình...
Sau nhiều năm nghiên cứu, con người đặc biệt ấy phát hiện ra thêm một quy luật nhờ vào việc quan sát riêng đã gợi ý: các vụ hoả hoạn thường xảy ra vào thứ năm. Các con số thống kê cho thấy, con quỷ nguy hiểm ấy thường thức giấc đúng vào ngày đó trong tuần.
Và điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Tcharnotski đã tìm ra một giải thích ít nhiều phù hợp. Theo ông, đó là tại bản chất của ngày thứ năm, nó phản ánh ngay trong tên gọi của nó. Bởi từ xa xưa, ngày đó vẫn được coi là ngày của thần Zeus sấm sét, vì thế đã nảy sinh tên gọi ngày ấy ở nhiều thứ tiếng. Không phải tự nhiên mà người Đức gọi thứ năm là ngày sấm sét.
Sau khi đi đến hai kết luận cực kỳ quan trọng ấy, Tcharnotski tiếp tục theo con đường suy lý. Vốn yêu thích triết học và những khái quát siêu hình, trong những giờ nhàn tản ông đã đọc các tác giả thần bí thời kỳ đầu của đạo Cơ đốc và nghiên cứu kỹ những luận văn thời trung cổ mà ông quan tâm.
Sau nhiều năm nghiên cứu các vụ hoả hoạn và những hiện tượng kèm theo, ông nghiêng về ý nghĩ cho rằng ắt hẳn có những tạo vật mà ngày nay chúng ta vẫn chưa biết, một thứ gì đó giống như khâu trung gian giữa con người và loài vật, và chúng hiện ra trong bất kỳ tai hoạ tàn phá nào.
Dẫn chứng cho thuyết của mình, Tcharnotski nêu ra các tín ngưỡng của nông dân và các truyền thuyết cổ xưa ma quái, nàng tiên cá, quỷ lùn, thần lửa và các thiên tinh. Ngày nay, ông đã không một chút nghi ngờ gì về sự tồn tại của sinh vật lửa. Ông cảm thấy chúng hiện diện trong mỗi đám cháy nên ông cố gắng dẹp tan thói quậy phá của chúng. Dần dần, đối với ông, cái thế giới bí ẩn mà mắt thường không nhìn thấy ấy đã trở thành thế giới rất thực như thế giới của ông, tức là thế giới con người. Vậy là, đã nổ ra một cuộc đấu tranh kiên trì và không khoan nhượng mà ông nhận thức rất rõ. Nếu trước kia Tcharnotski đấu tranh với lửa như với một hiện tượng khó chế ngự được, thì giờ đây, ông càng hiểu ra bản chất thật của nó, dần dần ông có thái độ khác đối với nó. Năm này qua năm khác, trong cái sức mạnh huỷ diệt phi lý là đám lửa, ông nhận ra một con thú dữ thích tàn phá mà ông phải tiêu diệt. Rồi sau đó, qua một số dấu hiệu, ông thấy chúng đã nắm bắt được sự thay đổi chiến thuật của ông. Và thế là cuộc chiến hoàn toàn có tính cá nhân.
Phải nói rằng Antoni Tcharnotski, giám đốc sở cứu hoả ở Rakshava, đúng là người sinh ra cho một cuộc chiến như thế, có lẽ hơn bất kỳ ai khác trên trái đất này.
Trời đã phú cho ông một năng lực đặc biệt, mà dường như đã phân công cho ông vai trò người chế ngự lửa. Cơ thể ông tuyệt đối vô cảm trước lửa; ở giữa ngọn lửa ngùn ngụt, giữa đám cháy hoành hành dữ dội, ông hành động rất an toàn, không bị một vết bỏng nào.
Mặc dù chức vụ giám đốc không yêu cầu ông phải trực tiếp tham gia dập lửa, nhưng ông không tiếc thân mình, luôn là người đầu tiên lao vào đám cháy. Thân hình ông cao lớn và mềm mại. Với mái tóc rậm như bờm sư tử nhô ra dưới vành mũ cứu hoả, ông hiện ra như vị thần hộ mệnh giữa những cuộn khói lửa tua tủa hàng ngàn cái lưỡi đỏ lòm. Đôi khi tưởng như ông chắc đã vào cõi chết, nơi mà không một người lính cứu lửa nào dám bước vào, nhưng - kỳ diệu thay! Từ chốn địa ngục ấy ông lại xuất hiện trở ra, bình an vô sự. Với nụ cười hiền lành và hơi bí ẩn trên gương mặt dũng cảm, ông được rọi sáng bởi những ánh lửa đỏ rực; rồi sau khi hít đầy không khí vào lồng ngực, ông lại xông vào lửa. Đồng nghiệp ông tái mặt khi thấy ông can đảm leo lên những tầng gác ngùn ngụt lửa, trèo lên những ban công đang cháy, liều lĩnh chạy len giữa những khung thép rừng rực nóng.
Một con quỷ! Ông ấy đúng là một con quỷ! - Đám lính cứu hoả thì thầm với nhau, sợ hãi và kính nể nhìn theo vị thủ trưởng của họ.
Chẳng mấy chốc ông có biệt danh "Chịu lửa" và trở thành thần tượng của lính cứu hoả lẫn dân chúng thành phố, Chung quanh ông, người ta thêu dệt nhiều chuyện, trong đó, ông được mô tả như một nhân vật hai mặt - là thượng đẳng thiên sứ Mikhail, đồng thời là con quỷ. Người ta đồn đại rất nhiều về ông, trong đó khiếp sợ và cảm phục xen kẽ nhau. Còn hiện nay, Tcharnotski được coi là vị pháp sư tốt bụng, quen biết với các thế lực bí ẩn. Đối với mọi người, mỗi bước chân, mỗi cử động của ông Chịu Lửa đều chứa đựng ý nghĩa đặc biệt.
Điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn cả là tính chất "amiăng" của Tcharnotski. Dường như chúng được truyền sang quần áo ông, do đó y phục cũng không bị cháy trong các vụ hoả hoạn.
Hồi đầu, người ta tưởng khi chữa cháy ông mặc bộ quần áo may bằng loại vải đặc biệt, chịu được lửa, nhưng hoá ra hoàn toàn không phải vậy. Đó là những lần bị kẻng báo động đánh thức giữa đêm đông lạnh giá, ông vội mặc luôn bộ quần áo đầu tiên mà ông tìm thấy ở trạm cứu hoả, rồi khi ra khỏi lửa ông vẫn bình yên vô sự.
Ở địa vị ông, có lẽ người khác đã tận dụng tài năng đặc biệt ấy để kiếm tiền, thí dụ họ sẽ làm thuật sĩ lãng du hoặc một tay đại bịp, nhưng đối với ông, chỉ cần mọi người quý trọng và cảm phục là đủ. Điều duy nhất ông tự cho phép mình là những "thử nghiệm" vô tư trong công việc hoặc đối với những người quen thân khiến họ phải sững sờ. Chẳng hạn, ông đặt trên lòng bàn tay mấy hòn than hồng khoảng mười lăm phút hoặc lâu hơn nữa mà không có dấu hiệu đau đớn gì, đến lúc ông lại vứt than vào lửa, trên tay ông không hề có vết bỏng.
Khả năng truyền "tính chịu lửa" của mình cho người khác cũng gây nhiều thích thú. Chỉ cần ông cầm tay ai, là người đó cũng "chịu lửa" được trong một thời gian nhất định. Một nhóm bác sĩ địa phương chú ý đến ông, họ đề nghị ông "biểu diễn" vài buổi với một số tiền thù lao lớn. Tcharnotski tức giận từ chối và sau đó, trong một thời gian dài ông đã không "thử nghiệm" ngay cả đối với người quen.
Người ta còn kể về ông nhiều chuyện lý thú khác nữa. Một số lính cứu hoả từng phục vụ dưới quyền ông quả quyết rằng trong các đám cháy, ông Chịu Lửa thường phân thân ra làm hai, làm ba: họ nói nhiều lần, họ thấy ông đồng thời ở hai, ba chỗ nguy hiểm nhất giữa đám lửa ngùn ngụt. Kshishtof Slutch, đội trưởng cứu hoả, thề rằng lần nọ, lúc đám cháy đã dịu bớt, anh thấy tận mắt ở mé trong một hốc bán nguyệt có ba thân hình ông Antoni giống hệt nhau, - Chúng nhập vào làm một, còn ông Tcharnotski thì đang thản nhiên xuống cầu thang.
Chẳng ai biết những lời đồn đại ấy thật bao nhiêu và bịa bao nhiêu. Nhưng có một điều chắc chắn - Tcharnotski là một người khác thường và dường như sinh ra là để đấu tranh với hoả hoạn.
Ông đã chiến đấu thật sự và ngày càng quyết liệt. Ông hiểu sức mạnh của mình, năm này qua năm khác ông hoàn thiện các phương pháp tự vệ, tạo nên nhiều chướng ngại trên con đường hoành hành của lửa.
Đối với Tcharnotski, dần dần cuộc đấu tranh ấy trở thành lý tưởng; ông liên tục phát minh ra những phương pháp đáng tin cậy để phòng cháy. Như hôm nọ, vào một buổi trưa tháng bảy nóng nực, ông năm xem những ghi chép mới nhất, phân loại những tài liệu tích luỹ được cho cuốn sách đang viết về các đám cháy và các biện pháp phòng cháy. Ông định viết một cuốn sách lớn, dầy hai tập, kết quả nghiên cứu của ông trong nhiều năm.
Thỉnh thoảng đưa lên miệng điếu xì gà thơm Cuba, Tcharnotski rít một hơi dài và nghĩ về bố cục với các chương cho quyển sách...
Hút nốt điếu thuốc, ông giụi nó vào cái gạt tàn, rồi mỉm cười mãn nguyện, ông đứng dậy.
Không đến nỗi tồi! Ông tự khen mình, hài lòng về những điều ước tính - Có vẻ ổn lắm.
Ông thay quần áo, rồi đến quán cà phê quen chơi cờ...
Vài năm trôi qua, hoạt động của Tcharnotski ngày càng tiến triển. Giờ đây, không chỉ Rakshava biết đến ông. Người ta nhắc đến ông Chịu Lửa cả ở những nơi cách xa thành phố này. Nhiều người tới gặp ông và tỏ lòng khâm phục. Quyển sách của ông về các đám cháy có tiếng vang lớn, và không chỉ trong ngành cứu hoả; chỉ một thời gian ngắn mà nó được tái bản mấy lần.
Lúc hoả hoạn xảy ra ở kho củi thuộc Viteluvka, một thanh xà ngang đang cháy đột nhiên rơi xuống khiến xương quai hàm của ông bị thương nặng; ở hai vụ hoả hoạn khác, trần nhà đổ sụp làm ông bị thương chân và vai; còn hôm Giáng sinh mới rồi, suýt nữa ông mất tay phải: một thanh xà bằng sắt rơi từ nóc nhà xuống chạm một đầu vào ông - chỉ một li nữa là ông nát xương...
Trước những chuyện không may ấy, Tcharnotski tài năng vẫn tỏ ra bình tĩnh.
Tôi còn chịu thua lửa, nên nó mới ném các thanh xà vào tôi, ông thường nói thế, miệng mỉm cười là lạ.
Nhưng thời gian gần đây, các lính cứu hoả dõi theo từng bước của ông và không để ông lao vào lửa quá sâu, nhất là ở những nơi có nguy cơ sập nhà. Tuy nhiên, mối nguy hiểm vẫn rình rập ông thường xuyên, ngay cả ở những nơi tưởng chừng an toàn nhất. Hình như hễ có mặt Tcharnotski là ma quỷ kéo đến: bên cạnh ông bỗng dưng rơi xuống những khúc gỗ chỉ vừa mới bén lửa, những thanh xà trên trần mà lửa còn chưa lan tới, cả những tảng vôi, vữa nặng trịch, to bằng viên đạn đại bác, có khi rơi đúng chỗ Tcharnotski vừa đứng.
Thế mà Tcharnotski vẫn nhếch mép cười thản nhiên và hút xì gà. Song các đồng nghiệp của ông thì càng lo lắng hơn. Cuối cùng họ hiểu rằng ở bên cạnh ông vẫn gặp phải nguy hiểm.
Những chuyện như thế xảy ra trong nhà thủ trưởng của họ nên không ai biết.
Mọi chuyện bắt đầu từ làn khói khét lẹt, ngột ngạt: một ngày nọ, ngôi nhà đầy mùi khét như thể có miếng giẻ rách cháy âm ỉ trong xó nhà. Mùi khó chịu như những làn sóng vô hình toả vào các hành lang, đọng mùi hôi trong các phòng, như một tấm màn nặng nề rủ từ trần nhà xuống. Mùi ấy thấm vào đồ đạc, quần áo, chăn đệm. Quạt máy và hệ thống thông gió đang hoạt động cũng không làm giảm được mùi hôi. Sau đó các cửa ra vào và cửa sổ đều được mở toang dù ngoài trời lạnh âm mười tám độ, cái mùi ghê tởm ấy vẫn không bay đi. Gió và cái rét cũng không xua được nó, nó cứ xộc vào mũi nồng nặc. Ông đã cố gắng tìm ra nguồn gốc mùi ấy nhưng không đi tới đâu, nên cuối cùng ông đành chịu vậy.
Một tháng sau, khi không khí trong nhà đã dịu lại đôi chút, thì một tai hoạ khác ập đến: thán khí. Mấy ngày đầu, còn có thể cho rằng tình trạng này là do đám gia nhân vụng về. Họ đã lơ đãng đóng sớm các lò sưởi, nhưng về sau phải nhận thấy rằng vần đề hoàn toàn không phải vậy, dù cái lò sưởi được quan sát rất cẩn thận, song cái mùi thán khí ngột ngạt vẫn đầu độc không khí ngày một nhiều hơn. Việc thay đổi chất đốt cũng không khá hơn: mặc dù Tcharnotski đã đốt lò bằng củi và không đóng cửa lò, nhưng ban đêm trong nhà vẫn có người bị trúng độc hơi than, còn bản thân ông, sáng dậy thấy đầu nhức buốt và buồn nôn. Sự việc đến mức ông buộc phải đi ngủ nhờ ở chỗ quen chứ không ngủ nhà nữa.
Vài tuần sau, thán khí bớt hẳn, và ông lại thở phào nhẹ nhõm trở về nhà.
Ông không biết tại sao nhà ông gặp nhiều tai biến như thế, nhưng suy nghĩ lại, cuối cùng ông hiểu rằng tất cả chỉ nhằm mục đích: làm cho ông sợ mà chùng xuống nhiệt tình chiến đấu của ông.
Nhưng các quỷ kế như vậy chỉ làm ông tức giận thêm ông bị chạm đến chỗ đau nhất, và ông quyết chiến bằng bất kỳ giá nào.
Hồi ấy, Tcharnotski đang nghiên cứu một hệ thống mới cho máy bơm chữa cháy; ông hy vọng nó sẽ hiệu quả cao hơn tất cả các loại bơm trước đấy. Thứ được dùng để dập tắt lửa sẽ không phải là nước, mà là một chất gas đặc biệt, chất này sẽ bọc kín dày đặc toà nhà bị cháy khiến oxi không lọt vào được nữa: bằng cách ấy, ông có thể dập tắt lửa từ lúc nó mới bắt đầu.
Tôi bảo đảm nó sẽ là một ngọn roi của Trời quất vào các đám cháy, ông hồn nhiên khoe với một kỹ sư ông quen khi chơi cờ. Rất có thể lúc bằng phát minh của tôi được chứng nhận, lửa sẽ không còn gây hại nữa.
Và ông tự hào vân vê bộ ria.
Lúc ấy là giữa tháng giêng: Tcharnotski định hoàn thành đề án chi tiết trong vài tháng rồi gửi lên bộ. Đêm này qua đêm khác, ông cặm cụi trên các bản vẽ, nhiều khi ông ngồi đến tận nửa khuya...
Lần nọ, đang ngồi làm việc lúc nửa đêm như thế ông lơ đãng nhìn Martin, người đầy tớ già đang khều than trong lò ra, và bỗng những mẩu gỗ cháy dở ấy thu hút sự chú ý của ông.
Chậm đã, ông giữ Martin lại ngưỡng cửa. Bác rắc tro than lên tờ báo này cho tôi.
Martin ngạc nhiên nhưng cũng vâng lời chủ.
Tốt lắm. Được rồi, bác về ngủ đi.
Còn lại một mình, Tcharnotski lại quan sát kỹ các hòn than. Đập ngay vào mắt ông là hình dạng các hòn than. Không hiểu lửa cháy thế nào mà các hòn than có đường viền mang hình các chữ cái. Ông kinh ngạc xem xét những đường viền rõ nét ấy; không còn nghi ngờ gì nữa, trước mắt ông là những con chữ lớn bằng than được "gia công" rất khéo.
Một câu đố hóc búa và độc đáo, ông nghĩ rồi tò mò xếp các hòn than thành những kiểu khác nhau. Biết đâu ông xếp được hình cái gì đó?
Rồi, chưa đầy mười lăm phút sau, dưới bàn tay ông xuất hiện các từ "Nung Nóng", "Tia Lửa", "Doạ Nước", "Thổi Khói".
A ha, vui thật - ông lẩm bẩm, ghi lại những cái tên lạ lùng ấy để khỏi quên. Cả một đám lưu manh lửa. Bây giờ tao nghĩ xem nên đặt biệt danh cho bọn mi là gì. Đúng là một cuộc viếng thăm lạ lẫm, nhưng các tấm danh thiếp lại càng lạ hơn. Ông cười nhếch mép rồi cất tờ giấy vào tủ.
Từ hôm ấy, ông dặn Martin ngày nào cũng đem tro than cho ông, và lần nào ông cũng phát hiện những lời nhắn gửi trong đó.
Những lời ấy càng lúc càng gợi tò mò hơn. Sau các tấm danh thiếp là những bức thông điệp từ thế giới bên kia - những câu rời rạc với nội dung răn đe và rồi cả với nội dung doạ nạt.
"Cút đi!", "Để chúng tao yên!", "Chớ đùa với bọn ta!", "Coi chừng đấy!" Các bức thông điệp lửa thường kết thúc như vậy.
Tcharnotski không coi trọng những lời ấy, với chúng ông cảm thấy có cái gì rất hài hước. Ông nghiên cứu và chuẩn bị đánh một đòn chí mạng. Chắc chắn ông sẽ thắng. Cần nói thêm rằng những chuyện bất ngờ, khó chịu thường rình rập ông ở các đám cháy nay không còn nữa, những trò quái quỷ xảy ra ở nhà ông cũng đã chấm dứt.
"Nhưng ngày nào ta cũng phải trao đổi thư từ như ta và chúng quen thân nhau lắm" ông mỉm cười và mỗi buổi sáng xem "những lời nhắn gửi của than lò". - Có lẽ các sinh vật này không biết hướng năng lượng tàn khốc của chúng tới vài điều tồi tệ cùng một lúc. Hiện giờ chúng chuyển sang "thông điệp lửa" nên chưa biết chúng sẽ hành động ra sao. Về chuyện này thì tao gặp may - bọn mi cứ viết đi, càng lâu càng tốt, tao luôn là một gã độc giả trung thành".
Nhưng khoảng đầu tháng hai, "thư từ" bỗng ngưng lại. Một thời gian, các hòn than vẫn còn giống đường viền các mẫu tự, nhưng dù cố mấy, Tcharnotski vẫn không xếp được thành câu có nội dung rõ ràng. Thế là "thư từ" đã cạn kiệt, và cuối cùng, các hòn than không còn có đường viền giống các mẫu tự nữa.
"Thông điệp lửa" đã kết thúc, Tcharnotski kết luận và gạch một gạch đỏ dưới mục "Nhật ký thông điệp lửa".
Trong vòng vài tuần, mọi việc vẫn bình yên. Khoảng thời gian đó, Tcharnotski hoàn chỉnh cấu trúc thiết bị dập lửa bằng hơi gas và bắt đầu lo chuyện lấy bằng chứng nhận. Nhưng công việc nghiên cứu vất vả đã làm ông thấm mệt. Sang tháng ba, ông cảm thấy đuối sức hẳn, thỉnh thoảng ông lại bị chứng toàn thân cứng đờ, hồi xưa ông đã từng bị chứng này do thần kinh có tổn thương. Người ngoài không biết tình trạng của ông, vì các cơn cứng đờ thường xảy ra ban đêm, lúc ông đã ngủ. Thức dậy buổi sáng, ông cảm thấy mệt rã rời như vừa trải qua một chặng đường dài. Phải nói rằng chính ông cũng không nhận thấy điều đó, vì việc chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia diễn ra nhẹ nhàng và hoàn toàn không đau đớn gì, chỉ có điều giấc ngủ trở nên nặng nề hơn. Lúc thức giấc, tuy mệt mỏi nhưng lại nhớ rất rõ những chuyến lãng du trong mơ. Suốt đêm, Tcharnotski leo lên những ngọn núi, thăm các thành phố xa xôi, lang thang qua những miền đất lạ. Sự suy mòn thần kinh làm ông kiệt sức vào buổi sáng hình như là do những chuyến phiêu lưu ban đêm của ông. Và thật kỳ lạ: chính ông cũng giải thích như vậy về sức khoẻ kém dần của mình. Những chuyến đi trong mơ mà ông cảm nhận dường như hoàn toàn có thật.
Nhưng nếu Tcharnotski không tâm sự chuyện đó với ai vì ông bị để ý quá nhiều rồi. Cho người khác biết đời sống thầm kín của tâm hồn mình để làm gì?
Tuy nhiên, nếu gần mọi người hơn, có thể ông sẽ nghe họ bàn tán những gì mà ông sẽ đâm ra lo sợ cho bản thân.
Việc đầu tiên làm ông chú ý là Martin - bây giờ, bác nhìn ông bằng ánh mắt nghi ngờ kỳ lạ và thậm chí còn có vẻ sợ hãi nữa.
Bác ta có cơ sở để nhìn như thế, vì không chỉ một lần, đêm nọ, vào khoảng đầu tháng ba, bác cầm nến đi từ bếp về phòng mình ở ngay sát cạnh phòng ngủ của chủ , bỗng bác thấy bóng Tcharnotski đi xa dần ở cuối hành lang. Hơi ngạc nhiên, Martin quyết định thử kiểm tra xem thật hay đó chỉ là cảm giác mà thôi, bác ta vội vã bám theo sau. Nhưng tới cuối hành lang thì ông chủ biến mất, như ông đã tàng hình vậy.
Martin hoang mang, rón rén bước vào phòng ngủ của chủ và bác thấy Tcharnotski vẫn ngủ trên giường như không có gì xảy ra.
Vài ngày sau, cũng ban đêm, Martin lại thấy ông chủ của mình nhưng lần này là ở cầu thang ông đứng trên bậc thang, cúi người qua tay vịn và nhìn xuống dưới nhà. Martin sởn gai ốc, vội lao tới và kêu lên:
Ông định làm gì thế? Ông hãy biết sợ Chúa Trời, vì như thế là có tội!
Nhưng bác ta chưa kịp chạy đến gần, thì Tcharnotski đã biến mất một cách kỳ lạ, ông ta nhoà đi rồi như thấm vào tường, không một tiếng động. Martin làm dấu thánh rồi không kịp suy nghĩ bác lao vào phòng ngủ của chủ - lạ chưa, cũng như lần nọ, ông chủ đang ngủ say.
Ghê thật! Martin lẩm bẩm. Ma quỷ hiện hình chăng? Mình đâu có say rượu?
Bác định về phòng mình thì bỗng thấy ở cuối phòng có một điều kỳ lạ: phía trên đầu ông chủ có một ngọn lửa đỏ lơ lửng, bập bùng. Về hình dạng, nó giống như bụi cây đang cháy, và hình như những cái vòi rực lửa của nó đang cố vồ tới Tcharnotski.
Lạy Chúa! Martin hét lên và chạy tới con quái vật lửa.
Bụi cây đang cháy đột ngột thu ngay lại những cái lưỡi lửa đang vươn về phía Tcharnotski rồi cuộn thành một cột lửa dày đặc, sau đó lập tức tắt ngấm trước khi phát ra tiếng xèo xèo nho nhỏ.
Trong phòng ngủ khá tối, chỉ có ánh sáng yếu ớt của ngọn nến mà Martin để dưới sàn. Tcharnotski ngủ trên giường, người thẳng ra và cứng đờ như khúc gỗ...
Hôm sau Martin thận trọng nói bóng gió với chủ rằng ông ấy có vẻ mệt mỏi và nên gọi bác sĩ chăng, nhưng Tcharnotski đánh trống lảng bằng một câu đùa.
Hai tuần sau thì tai hoạ xảy ra...
Đêm 28 rạng sáng 29 tháng ba là ngày đáng ghi nhớ đối với người dân trong thành phố. Tcharnotski về nhà rất khuya, mệt rã rời - hôm ấy, đội cứu hoả phải dập một đám cháy lớn ở dãy kho nhà ga. Ông tỏ ra rất dũng cảm, không chỉ một lần coi thường nguy hiểm để cứu mấy nhân viên đường sắt ngủ say trong dãy kho. Về nhà khoảng gần mười giờ, ông để nguyên quần áo nằm lăn ra giường và ngủ như chết.
Những ngày gần đây, lo lắng cho chủ, Martin như một con chó trung thành canh giữ sự yên tĩnh của ông ở phòng bên, bác không tắt đèn, thỉnh thoảng lại ngó sang phòng ngủ của chủ. Đêm ấy bác buồn ngủ quá, mái đầu bạc nặng nề ngả sang vai và cuối cùng gục xuống bàn.
Đột nhiên bác choàng tỉnh vì nghe có tiếng động lạ. Cố rũ đi cơn buồn ngủ, bác giụi mắt và lắng nghe, nhưng tiếng động không lặp lại nữa. Bác chụp lấy chiếc đèn, chạy sang phòng ngủ của chủ. Nhưng than ôi, đã quá muộn. Mở cửa ra, bác thấy lửa bao quanh ông chủ cả một vầng sáng, giống như hàng nghìn cái vòi lửa đang hút chặt vào thân thể ông.
Martin chưa kịp chạy đến giường thì quầng lửa đã chui vào thân thể người đang ngủ, không để lại dấu vết gì cứ như chưa hề có lửa vậy.
Run lập cập, Martin nhìn kỹ ông chủ.
Bất chợt gương mặt Tcharnotski biến đổi một cách kỳ lạ: nó nhăn nhó như thể bị co thắt hay bị động kinh, đến mức khó nhận ra. Như bị một sức mạnh siêu nhiên nhập vào thân thể, Tcharnotski bỗng bật dậy, rú lên một tiếng man dại rồi lao thẳng ra khỏi nhà.
Lúc ấy là bốn giờ sáng, phía trên thành phố, các ảo ảnh ngái ngủ đang đuổi nhau bằng điệu luân vũ vòng tròn, bầy quỷ ác mộng cụp những chiếc cánh hư ảo của chúng lại, chuẩn bị quay về, còn các thiên thần trầm ngâm cúi nhìn những đứa trẻ, họ vội vã đặt lên trán đứa bé nụ hôn từ biệt...
Chân trời phía đông hiện lên những vệt màu tím. Bình minh xám nhạt, run rẩy trước cái lạnh sớm mai, lan dần về phía thành phố. Đàn quạ thức dậy sau một đêm gà gật, bay thành những vòng tròn màu đen phía trên toà thị chính, rồi vừa kêu quàng quạc vừa đậu xuống những cành cây trụi lá. Lũ chó hoang lang thang ban đêm trong các ngõ tối, vội tìm cái ăn ngoài chợ...
Đột nhiên ở nhiều điểm trong thành phố vọt lên những ngọn lửa, lửa như bông hoa nở ra những chiếc cánh đỏ rực nhuốm hồng phía trên các mái nhà, vươn cao lên trời. Chuông nhà thờ đổ từng hồi, sự yên tĩnh của bình minh vỡ tung ra bởi những tiếng kêu, tiếng gào, tiếng hét:
Cháy! Cháy!
Ở ngoài chợ, người ta chạy loạn xạ, những chiếc xe hơi phóng như bay, cứu hoả rú ầm ĩ. Một người mặc đồng phục lính cứu hoả, mái tóc tung bay, tay cầm đuốc đang ra sức len qua đám đông.
Ai đấy nhỉ? Ai?
Bắt lấy nó! Bắt lấy! Nó là kẻ đốt nhà!
Hàng nghìn cánh tay hướng về phía hắn.
Tên đốt nhà! Tên tàn ác! - Đám đông điên cuồng giận dữ gầm lên.
Có ai đó hất ngọn đuốc ra khỏi tay hắn, có ai đó ôm nghiến lấy hắn. Hắn vùng ra, sùi bọt mép, xô ngã những người xung quanh... Cuối cùng hắn bị tóm gọn. Người ta giải hắn trên quảng trường tay hắn bị trói chặt, quần áo hắn rách bươm. Mọi người chằm chằm nhìn vào gương mặt đang được ánh bình minh yếu ớt soi sáng.
Ai thế?
Những người áp giải bất giác buông thõng tay xuống.
Trời, sao thế này?
Mấy người lính canh khiếp sợ, họng khô cứng không nói thành lời.
Sao hắn trông quen thế?!
Trên vai thằng điên đốt nhà lủng lẳng những cái ngù vai bị tuột ra trong lúc ẩu đả, đó là ngù vai của ngài giám đốc sở cứu hoả, còn trên áo sơ mi rách lấp lánh tấm huy chương "Vì có công chữa cháy", loé sáng cây thập tự vàng "Vì lòng dũng cảm". Và gương mặt kia - một gương mặt biến dạng trông như mặt thú, với hai con mắt xếch đỏ ngầu máu!...
Suốt một tháng ròng sau đám cháy khủng khiếp, đám cháy đã thiêu huỷ bảy công trình xây dựng đẹp nhất thành phố ấy, đêm nào Martin cũng nhìn thấy bóng ma Tcharnotski. Bóng kẻ điên trườn vào phòng ngủ, cúi xuống chiếc giường bỏ trống, lục lọi ở đó tìm thân thể - có lẽ để nhập vào xác? Hỡi ôi, hoài công vô ích...
Mãi tới cuối tháng tư, sau khi ông giám đốc sở cứu hoả bị nhốt ở bệnh viện của bác sĩ Zhegota, ông trong tình trạng mất trí nhớ và đã nhảy qua cửa sổ tầng gác xuống đất rồi chết tại chỗ. Từ lúc ấy bóng ma của ông mới không trở về nơi chốn cũ nữa...
Nhưng mãi đến nay người ta vẫn kể cho nhau nghe chuyện hoang đường về hồn của ông Chịu Lửa: nó đã để lại thân xác của nó trong giấc ngủ, rồi không quay về được nữa - vì các sinh vật lửa đã chiếm mất.