Ở Thái Sơn có cậu học trò tên là Tượng Sinh. Cậu sống một mình trong phòng học.
Đêm ấy trăng thu thanh mát, dải ngân hà sáng vằng vặc, Sinh ngắm cảnh mà lòng dạ ngơ ngẩn, cậu ra vào ngoài sân, không sao ngủ được.
Bỗng bên rào có bóng người con gái leo vào. Nàng cất tiếng cười trêu chọc:
Anh Tú của em suy tư gì mà trầm ngâm thế?
Nhìn dụng mạo đẹp mỹ lệ của cô gái Sinh mừng thầm, níu tay nàng kéo vào nhà rồi đùa cợt chớt nhả.
Hỏi tên, nàng nói họ Hồ tên gọi Tam Nương. Hỏi nơi ở, nàng chỉ cười e lệ mà không đáp, hẹn sẽ đến đây tâm sự thường xuyên.
Từ đó không đêm nào mà nàng không đến, suồng sã vui thú cùng nhau như vợ chồng. Một đêm nằm bên nhau, Sinh ngắm dung nhan của nàng như hoa nở bên trăng, lòng yêu quá đến không chớp mắt. Nàng cười khiêu khích:
Sao lại nhìn người ta chăm chú thế?
Sinh nịnh:
Tôi nhìn nàng có đến suốt đêm cũng không chán vì vẻ hoa thắm của nàng.
Cô gái chặc lưỡi:
Em như thế này mà chàng bảo rằng đẹp. Nếu chàng thấy dì tư Tứ nương thì không biết còn mê đắm đến đâu?
Sinh nghe ca ngợi nhan sắc của Tứ Nương mà lòng cảm thấy rung động, ao ước được nhìn thấy mặt. Chàng bèn nài nỉ xin nàng cho được gặp Tứ Nương.
Nàng nói:
Thiếp sợ chàng điên đảo thôi.
Sinh hứa:
Tôi chỉ muốn chiêm ngưỡng danh hoa chứ không dám đụng tới.
Hôm sau nàng giữ lời dẫn theo cô em tuổi vừa cập kê, quả thật nhan sắc tuyệt trần, hoa thắm còn kém muôn phần. Sinh thỏa lòng mời chị em họ Hồ ngồi, nhưng chỉ có Tam nương là nói chuyện với Sinh còn Tứ nương mãi yên lặng, vân vê tà áo tỏ vẻ e lệ lắm.
Lát sau Tam nương từ biệt. Tứ nương cũng đứng dậy đòi theo chị. Sinh níu kéo, háy mắt với Tam nương:
Xin nàng nói hộ dùm một tiếng.
Tam nương cười bảo em:
Anh học trò này bắt đầu giở chứng tình si rồi. Em nên nán lại một chút.
Tứ nương không đáp. Tam nương ra về rồi, Sinh kéo Tứ nương vào giường cùng vui thú. Khi nằm với nhau Tứ nương tỏ ra mềm dịu hiền thục lắm, nàng kể lể sự tình; không giấu mình là chồn tinh biến thành. Sinh biết vậy nhưng vì sắc đẹp nàng quyến rũ quá nên cũng không biết sợ là gì. Tứ nương kể lể tình thật:
Tam nương ác lắm, anh hãy dè chừng. Anh mà mê mẩn chị ấy thế nào cũng phải chết. Đã hai người rồi đó. Em vì thật lòng yêu thương nên mới nói thật, anh hãy cắt đứt với chị ấy.
Sinh nghe cũng hơi hoảng, hỏi:
Nhưng làm sao để cắt đứt?
Em tuy là chồn tinh nhưng luyện được chính pháp. Em sẽ viết cho anh một lá bùa, anh cứ dán ở cửa phòng là Tam nương không dám đến nữa.
Rồi trở dậy vẽ cho Sinh lá bùa.
Hôm sau Tam nương vừa trờ tới nhìn thấy lá bùa, không dám bước vào, mắng một câu:
Con chồn hôi này, vì mê trai mà định hại người mai mối ư?
Nói xong nàng đi mất.
Vài ngay sau Tứ nương tới bảo có việc đi xa xin hẹn ít hôm trở lại sẽ ghé. Ngày ấy vắng Tứ nương, Sinh buồn bã mới ra ngoài thành đi dạo.
Đến bên một cây giải mọc dưới chân núi thì Sinh thấy một thiếu phụ rất lịch sự bước tới chào:
Chàng không nên yêu thương chị em họ Hồ ấy, chúng nó con nhà nghèo rớt mùng tơi đó!
Thiếu phụ móc lưng trao cho Sinh một quan tiền rồi dặn:
Đêm nay cảnh vật hữu tình, chàng đi mua một hũ rượu ngon rồi thiếp sẽ mang thịt tới, chúng ta đối ẩm cho vui!
Sinh đang buồn, làm y lời thiếu phụ.
Lát sau thiếu phụ trở lại với rất nhiều thức nhắm ngon. Hai người cùng nhau ăn uống vui vẻ. Nhân có tửu hứng, Sinh rủ thiếu phụ lên giường mua vui, nàng chịu liền.
Trời sáng Sinh thức giấc thấy thiếu phụ đang xỏ chân vào đôi hài có hình dáng kỳ lạ.
Bỗng tiếng chân người rộn bên ngoài rồi có bóng người bước vào phòng, thì ra là chị em họ Hồ. Thiếu phụ trông thấy chị em họ Hồ mặt tái ngắt, hoảng hốt phóng ra cửa, chạy biến đi bỏ lại cả đôi hài. Hai chị em họ Hồ mắng theo:
Cái giống chồn hôi, đừng trở lại đây mà mất mạng.
Hai chị em liền đuổi theo nhưng chỉ một đoạn vì theo không kịp nên quay về. Tứ nương than trách:
Anh tệ bạc quá, mới vắng có ít ngày mà đã ăn nằm với con chồn hôi ấy, làm sao em dám gần anh nữa?
Cô gái vùng vằng định đi ra. Sinh phải van lạy đến khan cả giọng hai nàng mới hơi nguôi mà tha cho Sinh. Cả ba lại vui vầy như hồi mới gặp.
Cách đó ít lâu, bỗng có người lạ từ đất Thiểm cưỡi lừa đến nhà Sinh, đập cửa mà kể chuyện:
Tôi đang đuổi theo mấy con yêu tinh, chúng chuyên hại người. Nay thấy chúng trong nhà này, xin phép cho bắt.
Cha Sinh ngạc nhiên. nhưng thực ra từ lâu ông đã thấy hành vi của Sinh có vẻ úp mở nên đã sinh nghi. Ông vội mời khách lạ vào hỏi kỹ đầu đuôi. Khách kể:
Tiện nhân là du sĩ rong ruổi khắp nơi, không có chỗ nào là nhà. Gần đây vì có cậu em bị yêu tinh hại chết nên nguyện sẽ tìm diệt cho bằng được bọn chúng. Bôn ba lắm mới phát giác được tông tích bọn nó đang ở trong nhà ông. Nếu không giết chúng e rằng có người lại theo em tôi mà thác.
Vốn đã nghi trong bụng, cha Sinh vội vã mời khách làm phép trừ yêu. Khách rút ra một cái hồ lô và mấy cây cờ, múa may niệm thần chú rất lâu. Lát sau, khói đen ở bốn góc nhà ùn ùn kéo ra chui thẳng vào hồ lô. Khách mừng rỡ:
Bọn yêu tinh bị thu cả vào đây rồi.
Nói xong khách dán chặt miệng hồ lô lại, cha Sinh cảm ơn rối rít và nài khách ở lại dùng bữa.
Riêng cậu học trò Sinh vừa hoang mang vừa đau xót, tìm cách đến gần chỗ để hồ lô trong lúc khách đang bận ăn cơm với cha cậu. Cầm hồ lô trên tay, Sinh nghe có tiếng nói bên trong:
Thấy người gặp nguy mà nỡ ngồi nhìn thế sao?
Sinh cảm động, định giở nắp hồ lô nhưng nắp buộc chặt đến nỗi không thể nào lay chuyển. Rồi cậu nghe giọng nói của Tứ Nương:
Không tháo được đâu. Chàng hãy vất bỏ lá cờ trên bàn đi rồi lấy kim châm vào nắp bình một lỗ nhỏ là được.
Sinh nghe lời. Cậu vừa châm lỗ xong thì thấy làn khói trắng mỏng bay vờn ra rồi biến mất trên không trung.
Khách cũng vừa dùng bữa xong, quay lại thấy lá cờ rơi dưới đất, than rằng:
Trời, trốn mất rồi, chắc việc này do con của ông làm ra đây.
Khách nâng hồ lô lên, áp vào tai một lát rồi vui vẻ:
Nhưng còn may, chỉ thoát có một con yêu hiền nhất. Con này không làm hại ai nên tha cũng được...
Rồi khách từ giã ra đi.
Nhiều năm trôi qua, lúc đang thơ thẩn ngoài đồng vắng Sinh chợt thấy Tứ Nương nên vội chạy đến hỏi. Nàng đáp:
Chốc đã mười năm. Em tu luyện thành công rồi nhưng vẫn mãi nhớ chàng nên ghé thăm đây.
Sinh lại rủ nàng cùng về, Tứ Nương từ chối:
Em đã khác xưa, hết còn ham muốn ái tình trần tục rồi. Xin hẹn kiếp sau.
Nói xong nàng biến mất.
Thêm hai mươi năm trôi qua nữa, lúc nọ Sinh đang ở nhà một mình thì Tứ Nương lại xuất hiện. Sinh mừng lắm, hỏi chuyện thì nàng kể:
Nay thiếp đã thành tiên rồi, không còn là chồn nữa và cũng không được xuống trần gian. Nhưng vì còn nhớ ơn cứu mạng của chàng nên đến báo rằng số chàng sắp hết. Chàng hãy chuẩn bị và đừng buồn làm chi. Hãy về với thiếp, thiếp sẽ độ cho chàng được sung sướng.
Nói xong nàng từ biệt.
Đúng ngày nàng nói, Sinh đột nhiên lăn đùng ra chết.
Người bạn thân của Sinh là Lý Văn Ngọc, chàng bảo rằng vẫn thường gặp Sinh hiện về.