•—◦—⊙—◦—•
NTO - 4.000 năm trước, một nền văn minh đô thị đã tồn tại - ở đó người ta sống và buôn bán trên vùng biên giới giữa Pakistan và Ấn Độ ngày nay. Suốt thế kỉ qua, hàng ngàn đồ tạo tác mang chữ viết tượng hình do người tiền sử để lại đã được khai quật. Ngày nay, một nhóm nghiên cứu Ấn Độ và Hoa Kỳ đang sử dụng toán học cùng máy vi tính để chắp nối thông tin về hệ thống chữ viết bí mật này. Nhóm nghiên cứu do một nhà khoa học thuộc trường đại học Washington dẫn đầu đã sử dụng máy vi tính để giải mã các kí hiệu trong hệ thống chữ Indus tượng hình cổ đại. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences số ra tuần này, trong đó chỉ ra những kiểu sắp xếp các kí hiệu theo chuỗi và công bố mô hình thống kê cho thứ ngôn ngữ bí mật mà các nhà khoa học đã tạo lập được.
“Mô hình thống kê giúp hiểu rõ hơn về cấu trúc ngữ pháp của hệ thống chữ Indus,” Rajesh Rao, trưởng nhóm nghiên cứu, giảng viên khoa học máy tính trường đại học Washington, cho biết. “Một mô hình như vậy có thể sẽ rất hữu ích đối với việc giải mã, vì bất kì ý nghĩa nào được gán cho một kí hiệu đều phải phù hợp tổng thể văn cảnh cùng với các chữ đứng phía trước và sau nó.” Đồng tác giả của nghiên cứu là các nhà khoa học Nisha Yadav và Mayank Vahia đến từ Viện Nghiên cứu cơ bản Tata và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Căn bản Mumbai, R. Adhikari đến từ Viện Toán học Chennai và Iravatham Mahadevan đến từ Trung tâm Nghiên cứu Indus Chennai.
Bất chấp các nỗ lực trước nay, nhân loại chưa từng giải mã thành công hệ thống chữ Indus. Các kí tự thường xuất hiện trên những con dấu bé xíu, những phiến gỗ khắc hay tấm bùa hộ mạng tạo ra bởi cư dân sinh sống trong Thung lũng Indus cách đây 2.600 tới 1.900 năm trước Công nguyên. Mỗi tạo tác này thường chứa một chuỗi gồm 5 hay 6 kí tự. Một vài người thậm chí còn tự hỏi liệu thực sự những kí tự này có phải một thứ ngôn ngữ, hay nó chỉ đơn thuần là hình vẽ biểu trưng hay kí hiệu tôn giáo.
Nền văn minh Thung lũng Indus trải dài từ Tây Ấn đến Afghanistan và dân số lên đến 5 triệu người. Đây là nền văn minh lâu đời nhất được biết đến của Ấn Độ. Cho đến tận năm 1922, ông John Marshall khai quật thành phố đã phát hiện ra một nền văn hóa cực kỳ “vệ sinh”. Có hệ thống thoát nước cực kỳ phức tạp và những bồn tằm được thiết kế hoàn hảo. Điều kỳ lạ là không có bằng chứng khảo cổ cho thấy sự tồn tại của quân đội, nhà vua, nô lệ, mâu thuẫn xã hội hoặc các tệ nạn phổ biến thời cổ đại.
•—◦—⊙—◦—•