•—◦—⊙—◦—•
Ngứa thực chất là một triệu chứng của một bệnh nào đó được thể hiện ra bên ngoài bằng triệu chứng ngứa.
Ngứa là một phản ứng tự vệ của cơ thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, hầu như không di truyền (trừ ngứa do eczema) và không lây (trừ ngứa do ghẻ).
Bản chất của ngứa là do một chất được tiết ra trong dưỡng bào dưới da gọi là histamin. Khi chất histamin được tiết ra do một sự kích thích nào đó mà chất kích thích hoàn toàn xa lạ với cơ thể, chất này sẽ kết hợp với các nút tận cùng của thần kinh (cúc tận cùng của các đầu mút một dây thần kinh) trên những thụ thể đặc biệt.
Khi da bị viêm do một nguyên nhân nào đó hoặc dị ứng một dị nguyên lạ (kháng nguyên lạ) thì ngay lập tức dưỡng bào dưới da sẽ tiết ra chất histamin và sự kết hợp tự nhiên giữa chất histamin và cúc tận cùng của một dây thần kinh sẽ tạo nên một cảm giác ngứa.
Ngứa sẽ xuất hiện ngay tại da vùng bị kích thích làm đỏ da, nổi cục (sẩn) có khi to bằng đồng xu, có khi tạo thành từng mảng lớn (mề đay).
Ngứa sẽ tạo nên phản xạ gãi, có khi gãi là một giải pháp tình thế làm giảm ngứa hoặc hết ngứa nhưng rất nhiều trường hợp càng gãi càng ngứa (ngứa do kiến lửa đốt, ngứa trong mề đay thì càng gãi càng ngứa dữ dội...), có khi gãi làm chảy cả máu nhưng ngứa vẫn hoành hành (ngứa trong chàm nhiễm khuẩn).
Nguyên nhân
Mặc dù ngứa là một triệu chứng nhưng người ta vẫn chia nguyên nhân gây nên ngứa thành hai loại: ngứa do nguyên nhân ngoại lai và ngứa do nguyên nhân bên trong cơ thể (người ta gọi là nguyên nhân nội sinh và nguyên nhân ngoại sinh).
- Nguyên nhân ngoại sinh tức là các nguyên nhân bên ngoài cơ thể bao gồm các tác động như côn trùng, ký sinh trùng đốt (muỗi, ve, mò, chấy, rận, kiến, ghẻ...) hoặc do hóa chất trực tiếp tác động như xà phòng, dầu gội đầu, sữa rửa mặt, sữa tắm, các loại kem dưỡng da, son môi, phấn thoa mặt hoặc do bụi phấn, phấn một số loài hoa. Người ta cũng liệt kê cả các tác nhân của một số vi sinh vật như vi khuẩn (gây nhiễm khuẩn ghẻ, nhiễm khuẩn eczema), vi rut herpes, thủy dậu, zona...
- Nguyên nhân nội sinh là một số bệnh làm cho xuất hiện triệu chứng ngứa như bệnh viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng (dị ứng thời tiết, dị ứng với một số hóa chất); bệnh nấm da (nấm da, nấm kẽ, lang ben, nấm tóc, rận mu...); bệnh sùi mào gà...
Một số bệnh thuộc nội tạng cũng làm xuất hiện triệu chứng ngứa như bệnh nhiễm giun sán (giun đũa), bệnh vàng da do lượng sắc tố mật trong máu tăng cao, bệnh suy thận, bệnh đái tháo đường, viêm họng, mũi...
Nguyên nhân nội tạng còn do thức ăn, nước uống không phù hợp cũng gây ngứa như một số người sau khi uống bia, rượu là ngứa ngáy khó chịu.
Trong một số trường hợp vết thương ở da bắt đầu tái tạo tổ chức mới (lên da non) cũng gây ngứa. Trong trường hợp này người ta giải thích rằng do các đầu mút thần kinh bắt đầu hồi phục và bị kích thích sẽ gây ngứa.
Ngứa cũng xuất hiện tùy theo bệnh, có khi ngứa liên tục, ngứa khắp toàn thân (mề đay) nhưng có khi ngứa chỉ xuất hiện ban đêm như ngứa trong bệnh ghẻ hoặc ngứa chỉ xuất hiện tại vùng da bị kích thích như ngứa do muỗi đốt, kiến lửa đốt.
Ngứa đôi khi làm cho người bệnh phát chán, gây cáu gắt, khó chịu như ngứa do eczema (chàm), mề đay, kiến lửa đốt...
Làm thế nào để không ngứa hoặc hết ngứa?
Ngứa là một triệu chứng với muôn vàn các nguyên nhân khác nhau, muốn để không có ngứa xảy ra hoặc đã bị ngứa rồi làm cho hết ngứa thì tốt nhất là tìm được nguyên nhân gây ngứa từ bên ngoài hoặc từ bên trong gây ra:
- Nếu do côn trùng đốt cần cách ly côn trùng, ví dụ do kiến, muỗi, ve, rận, chấy đốt thì ngoài các biện pháp tiêu diệt chúng theo kinh nghiệm dân gian và hóa chất thì cần có biện pháp cách ly chúng, không tiếp xúc với chúng.
- Nếu do thức ăn, nước uống như tôm cua, rượu, bia thì nên kiêng được càng kỹ càng tốt hoặc hạn chế đến mức tối đa dùng chúng.
- Đối với một số người dị ứng với quần áo (đặc biệt là quần, áo lót) làm bằng sợi tổng hợp thì nên thay bằng loại vải bông.
- Những người mắc các bệnh mà gây ngứa như ghẻ, hắc lào, lang ben, nấm da, nấm tóc, viêm da dị ứng, hoàng đản, đái tháo đường... thì nên đi khám bệnh để được điều trị dứt điểm và có sự tư vấn tường tận của thầy thuốc cho người bệnh thì bệnh càng chóng lành và không hoặc hạn chế sự tái phát.
- Khi bị ngứa không nên gãi nhất là gãi làm xây xước da vì như vậy rất dễ nhiễm khuẩn.