•—◦—⊙—◦—•
Doanh nghiệp cần gì ở một sinh viên mới tốt nghiệp?
Một trong những nguồn cung cấp nhân lực quan trọng là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học và dạy nghề. Tuy nhiên, cho đến nay, một thực trạng đáng buồn là phần lớn sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng vì thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đảm nhận các vị trí công việc mà họ dự tuyển.
Theo các chuyên gia tuyển dụng thì phần lớn sinh viên thiếu hoặc yếu các kiến thức, kỹ năng thực hành (có thể áp dụng vào thực tế công việc) mặc dù họ đã được đào tạo bài bản suốt mấy năm học.
Khả năng thực hành, học hỏi và kỹ năng cá nhân
Đó là yếu tố quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần ở người lao động (NLĐ). Khả năng thực hành thể hiện qua việc NLĐ biết những kiến thức, kỹ năng chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc và có khả năng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đó vào thực tế để hoàn thành công việc mà họ đảm nhận. Ví dụ: một cử nhân Anh văn phải nắm vững về văn phạm và có vốn từ vựng tiếng Anh phong phú, có khả năng đọc, hiểu, nghe, nói lưu loát. Trong thực tế, đã có những cử nhân Anh văn khi tham dự phỏng vấn bằng tiếng Anh đã “toát mồ hôi” vì không hiểu người phỏng vấn hỏi gì và không biết diễn đạt điều mình muốn nói như thế nào dù điểm kiểm tra viết khá cao (thể hiện khả năng nghe, nói kém).
Các doanh nghiệp cũng hiểu rõ là không thể mong đợi các tân sinh viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng chuyên môn tương ứng với từng công việc cụ thể. Mặt khác, để phục vụ chiến lược phát triển của mình, các doanh nghiệp cũng thường có chính sách đào tạo, huấn luyện để phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực của mình. Chính vì vậy, ngoài yêu cầu về những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cơ bản ở NLĐ, các doanh nghiệp cũng mong đợi họ có “kỹ năng học”. Điều này nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại không phải như vậy. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng phần lớn sinh viên của chúng ta vẫn có thói quen “học thụ động”, nghĩa là chỉ học những gì được dạy mà chưa chủ động học và tìm học những gì mình thấy cần. Trong khi ở môi trường làm việc, không phải lúc nào và ở đâu NLĐ cũng được dạy theo kiểu như vậy.
Bên cạnh những yêu cầu trên, NLĐ cần phải có những kỹ năng cá nhân cần thiết, trong đó kỹ năng trình bày và giao tiếp có thể xem là quan trọng nhất. Kỹ năng trình bày thể hiện qua việc diễn đạt một cách đầy đủ, chính xác và rõ ràng những gì mình muốn nói – những ý kiến, quan điểm, suy nghĩ của mình. Có người có những ý kiến, quan điểm rất hay nhưng khi trình bày với người khác thì lại làm cho người nghe không hiểu họ muốn nói gì hay thậm chí còn thấy buồn cười. Nguyên nhân là do họ không thể nói hết, nói đúng những gì mình nghĩ. Đây là một hạn chế rất lớn ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của một người, đặc biệt là trong môi trường làm việc. Dù bạn có ý tưởng hay đến mấy mà không biết cách trình bày nó một cách đầy đủ, chính xác và rõ ràng, không làm cho người nghe bị thuyết phục thì ý tưởng của bạn cũng trở thành vô giá trị. Khả năng này không tự nhiên mà có, nó đòi hỏi sự rèn luyện, ngay cả với những người có khả năng hùng biện bẩm sinh. Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp thể hiện qua hiệu quả giao tiếp của một người với những người xung quanh. Để giao tiếp tốt không nhất thiết phải “nói hay”, thậm chí một người “nói hay” chưa chắc đã là người giao tiếp tốt. Nghĩa là “giao tiếp” không chỉ gói gọn trong phạm vi “nói và nghe” mà cần được hiểu ở nghĩa rộng hơn. Đó là khả năng xây dựng và phát triển mối quan hệ với người xung quanh, hiểu họ và làm cho họ hiểu mình từ đó tạo ra sự đồng cảm, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cả cuộc sống. Môi trường làm việc ngày nay đòi hỏi tính đồng đội rất cao, một người không thể thành công nếu chỉ làm việc “một mình” mà không có sự hợp tác, hỗ trợ qua lại với người khác (cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng…).
Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm
Kỹ năng làm việc độc lập đòi hỏi NLĐ phải có khả năng tự mình xử lý công việc hầu như từ A đến Z: từ bước xác định mục tiêu, lập kế hoạch, thu thập thông tin, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết đến việc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả. Việc giao cho sinh viên các bài tập, các dự án cá nhân với những mục tiêu mang tính thực tiễn mà để hoàn thành không chỉ dựa vào các bài giảng ở trường hay sách giáo khoa mà còn đòi hỏi các thông tin, kiến thức kinh tế, xã hội và thực tế sẽ giúp sinh viên rèn luyện khả năng làm việc độc lập. Ngược lại, kỹ năng làm việc nhóm lại đòi hỏi khả năng phối hợp, làm việc chung với những người khác trong cùng một dự án hoặc một chuỗi công việc, trong đó kết quả công việc không được quyết định bởi một cá nhân mà phụ thuộc vào sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau của các thành viên trong nhóm.
Để trở thành một thành viên hiệu quả trong nhóm, mỗi người phải biết phát huy các thế mạnh của mình để đóng góp vào thành công chung, đồng thời cũng phải biết chấp nhận “hy sinh” một phần “cái tôi” để hòa hợp với các thành viên khác.