•—◦—⊙—◦—•
Cây này còn có tên là cốc tinh thảo, cỏ đuôi công. Theo Đông y, cỏ dùi trống vị cay, ngọt, tính hơi ôn, có tác dụng thanh nhiệt, làm sáng mắt; thường được dùng chữa các bệnh ho do phong nhiệt, đau mắt, đau đầu. Cỏ dùi trống là cây nhỏ sống hằng năm, mọc hoang. Bộ phận dùng làm thuốc là nụ hoa hoặc toàn cây. Sau đây là một số bài thuốc: - Đau mắt đỏ: Cỏ dùi trống 10 g, lá dâu 20 g, đậu xanh 20 g, cam thảo đất 10 g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc: Cỏ dùi trống, phòng phong lượng bằng nhau, tán nhỏ thành bột. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1-2 g. - Nhức đầu: Cỏ dùi trống 10 g, lá dâu 20 g, hoa đại 16 g, cam thảo đất 15 g. Sắc uống ngày một thang. - Nhức đầu, nhức lông mày: Cỏ dùi trống 8 g, giun đất (địa long) 12 g, nhũ hương 4 g. Tất cả tán nhỏ, mỗi lần dùng 4 g đốt cháy, hun khói vào lỗ mũi bên đau. - Thiên đầu thống: Cỏ dùi trống tán bột, trộn với hồ, dán vào nơi đau. - Viêm họng: Cỏ dùi trống 10 g, bồ công anh 16 g, củ giẻ quạt 12 g, cam thảo đất 12 g. Sắc uống ngày một thang. - Ho do phong nhiệt: Cỏ dùi trống 10 g, lá dâu 16 g, vỏ rễ cây dâu 12 g, cam thảo đất 12 g. Sắc uống ngày một thang. - Giảm thị lực (mắt mờ): Cỏ dùi trống 10 g, quyết minh tử (hạt muồng) sao 12 g, kỷ tử (quả cây khởi tử) 12 g. Sắc uống ngày một thang. - Cảm cúm, cảm mạo: Cỏ dùi trống 30-50 g, sắc uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi. Chỉ dùng cho người bị cảm không ra mồ hôi. BS Quách Tuấn Vinh
•—◦—⊙—◦—•