•—◦—⊙—◦—•
Các bài thuốc có vừng đen Để trị tăng huyết áp, xơ mạch, liệt nửa người, có thể dùng vừng đen 12 gam, hà thủ ô 12 gam, ngưu tất 12 gam, táo tầu 3 quả. Ba vị tán nhỏ, hòa mật làm thành viên 5 gam. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 viên. Vừng đen (hắc chi ma, hồ ma, mè) vị ngọt, tính bình, được liệt vào loại thuốc bổ âm quý. Nhiều sách thuốc cổ ca ngợi vừng đen là thuốc bổ tỳ vị, ích can thận, khí lực, não tủy, kiện gân cốt, trị hư nhiệt, làm đen râu tóc, sáng tỏ tai mắt. Nó có tác dụng bổ gan thận, chữa can thận hư, choáng váng, tê liệt, tóc rụng, râu tóc bạc sớm, suy nhược sau khi ốm; phụ nữ sau khi đẻ táo bón, ít sữa. Ngoài ra, vừng đen còn có tác dụng trị bệnh tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, suy nhược thần kinh; chữa các chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tai ù, do can thận âm hư... Hoa vừng ngâm nước đắp mắt đau, làm mát mắt, dịu đau. Nước sắc lá và rễ vừng làm mọc tóc, giữ râu tóc đen lâu. Một số đơn thuốc có vừng đen: - Chữa táo bón, bổ nội tạng, mạnh gân cốt, tăng dinh dưỡng: Dầu vừng 1 thìa cà-phê, đánh đều với một lòng đỏ trứng gà, uống vào buổi sáng. - Chữa ít sữa: Rang, giã vừng, cho ít muối (thành muối vừng) ăn hàng ngày. - Chữa bỏng lửa: Vừng sống nghiền nát đắp; hoặc dùng dầu vừng xoa. - Chữa nhọt lở không liền miệng: Sao cháy vừng, giã đắp. - Chữa ho: Vừng đen 30 gam, đường đỏ 15 gam. Rang vừng cho thơm, cho đường đỏ vào đảo đều, sau khi đường chảy hết đổ vào bát, chờ nguội, ăn luôn. Mỗi ngày ăn 3 lần. Lương y Minh Chánh
•—◦—⊙—◦—•